Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Tin tức hoạt động Ngân hàng

Gửi Email In trang Lưu
Ngành ngân hàng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19

07/05/2020 09:29

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân,Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang quyết liệt triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) đồng thời chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai đồng bộ các ​giải pháp tổng thể về tín dụng và dịch vụ ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19.

            1.Về chính sách.

1.1. Ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020: NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.Thông tư được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2020. Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.Theo đó:

*Quy định về phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19:Điều 4 Thông tư quy định nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; b) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19; c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các TCTD có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về  tiêu chí để xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịnh Covid-19, trong đó phải có tiêu chí khách hàng bị sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

* Quy định về miễn, giảm lãi, phí: Điều 5 Thông tư quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* Về giữ nguyên nhóm nợ: Điều 6 Thông tư quy định TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định Thông tư, đồng thời, thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

1.2 Thiết lập đường dây nóng:

Để chính sách hỗ trợ của NHNN nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất – kinh doanh. Ngành ngân hàng đã thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng tại NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư 01; Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn. Đối với các phản ánh, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo về NHNN Việt Nam để phối hợp xử lý;

Đồng thời, Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư 01 và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.

1.3.Về điều hành lãi suất:NHNN điều hành giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế bị tác động từ dịch bệnh Covid-19. Tính chung từ cuối năm 2019 đến nay, NHNN đã giảm 1,25% lãi suất điều hành, 0,75% trần lãi suất huy động, giảm 1% trần lãi suất cho vay ưu tiên (từ mức 6,5%/năm xuống 5,5%/năm).Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh giảm 0,5%/năm so với đầu năm và hiện ở mức 5,5%/năm. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn của đợt dịch bệnh Covid-19.

1.4. Ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN:

Cụ thể hóa Chỉ thị số 11/CT-NHNN ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, NHNN đã chủ động và nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 yêu cầu các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó: (i) Khẩn trương, đẩy mạnh triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; (ii) Chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới; (iii) Đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; (iv) Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước Thống đốc NHNN về việc thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách và các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh. NHNN sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong triển khai hoặc vi phạm các quy định hiện hành. Đồng thời, NHNN sẽ có cơ chế khuyến khích, khen thưởng tạo điều kiện đối với các TCTD chấp hành tốt chủ trương này…

1.5. Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

NHNN chủ động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) xây dựng, hoàn thiện nội dung hướng dẫn NHCSXH cho vay hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương ngừng việc theo Nghị quyết 42/NQ-CP báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư tái cấp vốn cho NHCSXH và thực hiện tái cấp vốn cho NHCSXH để cho vay người sử dụng lao động theo quy định pháp luật.

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo TCTD miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức chi trả trực tiếp tới tài khoản theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg; miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản tiền gửi của NHCSXH tại TCTD khi thực hiện việc chuyển tiền cho người sử dụng lao động vay để trả tiền lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

1.6. Về chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán:

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, cụ thể như sau:

- NHNN đã có 02 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến.

- NHNN có công văn[1] chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.

- NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), áp dụng từ 01/4 -31/12/2020. Đồng thời, NHNN có công văn[2]yêu cầu các ngân hàng phải điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH cho khách hàng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các TCTD đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.

- Triển khai Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 28/4, Thống đốc đã ký Công văn số 3054/NHNN-TT chỉ đạo các TCTD miễn phí chuyển tiền hỗ trợ. Cụ thể, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: (i) Miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức chi trả trực tiếp tới tài khoản theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg; (ii) Miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản tiền gửi của Ngân hàng chính sách xã hội tại TCTD khi thực hiện việc chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động để trả tiền lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bên cạnh đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo đối với doanh nghiệp viễn thông thực hiện giảm mức giá cước tin nhắn áp dụng với các ngân hàng (Công văn số 2868/NHNN-TT ngày 22/4/2020).

- Mới đây, do tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động kinh doanh thẻ ngân hàng thời gian vừa qua bị ảnh hưởng khá nặng nề, đại diện quyền lợi của các ngân hàng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn kiến nghị 2 tổ chức phát hành thẻ là Visa và MasterCard- hai tổ chức có thị phần lớn - xem xét có chính sách miễn, giảm các loại phí để hỗ trợ ngân hàng Việt Nam giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh. Thời gian miễn, giảm phí, theo VNBA, cần ít nhất trong 12 tháng.

2. Kết quả triển khai:

2.1 Trên địa bàn cả nước:

Về kết quả triển khai Thông tư 01 và các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch: Đến nay, các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìnkhách hàng với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng; (ii) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng; (iii) Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng trên980 ngàn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và trên 4% cho khách hàng; (iv) Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho khoảng 150 ngàn khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) đạt trên 500 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã vào cuộc rất trách nhiệm, thể hiện nỗ lực lớn của hệ thống TCTD trong bối cảnh dịch Covid 19 ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và các ngành sản xuất.

Về tín dụng chính sách: Từ ngày 01/3/2020 đến 22/4/2020, NHCSXH đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bằng các hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 3.281 tỷ đồng với 125.449 khách hàng; cho vay mới 19.463 tỷ đồng với 533.394 khách hàng.

Trong vấn đề miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: Đến nay, đãcó 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ).

2.2 Trên địa bàn tỉnh Hà Giang

NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và hướng dẫn các TCTD trên địa bàn tổ chức triển khai có hiệu quả các giải phápvề tín dụng và dịch vụ ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19.

Kết quả, đến 30/4/2020 các TCTD trên địa bàn đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như:

(i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 55 khách hàng với dư nợ  135,6 tỷ đồng. Trong đó: khách hàng doanh nghiệp là 11với số dư nợ là 71,3 tỷ đồng, khách hàng cá nhân là 44, với số dư nợ là 64,5 tỷ đồng.

(ii) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 02 khách hàng  cá nhân với dư nợ 3,4 tỷ đồng;

(iii) Giảm lãi suất cho 823 khách hàng với dư nợ 1.709,3 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%). Trong đó: khách hàng doanh nghiệp là 99 với số dư nợ là 1.079,5 tỷ đồng, khách hàng cá nhân là 724, với số dư nợ là 629,8 tỷ đồng.

Về tín dụng chính sách: Từ ngày 01/4/2020 đến 27/4/2020, chi nhánh NHCSXH đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bằng các hình thức gia hạn nợ 1,463 tỷ đồng với 50 khách hàng; cho vay mới 8,860 tỷ đồng với  261 khách hàng.

Đến nay, 05 chi nhánh NHTM trên địa bàn thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng.Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm khoảng 1 tỷ đồng.



[1] Công văn số 2094/NHNN-TT ngày 24/3/2020

[2]Công văn2342/NHNN-TT ngày 31/03/2020

Trần Thị Vy - NHNN

Tin khác

Agribank Chi nhánh Hà Giang, VP Đoàn ĐBQH, HĐND,UBND tỉnh Hà giang hỗ trợ 3 chốt chặn chống dịch bệnh COVID-19 (10/04/2020 09:07)

Đoàn công tác NHNN tỉnh làm việc tại xã Phố Là, huyện Đồng Văn theo Quyết định 2204-QĐ/TU (27/03/2020 09:42)

Ngành ngân hàng Hà Giang triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (11/03/2020 14:40)

Ký kết Giao ước thi đua Khối kinh tế - tổng hợp tỉnh Hà Giang (05/03/2020 10:40)

Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang đẩy mạnh Đề án thí điểm phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. (21/02/2020 14:57)

VietinBank Hà Giang tổ chức hội nghị người lao động và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020 (12/02/2020 16:30)

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang làm việc và thăm, chúc tết xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (22/01/2020 15:52)

Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng Hà Giang năm 2020 (15/01/2020 14:51)

LienVietPostBank và Bảo hiểm Nhân thọ Dai - ichi trao quà khuyến học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (15/01/2020 13:36)

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Giang chúc Tết các đơn vị vùng cao (15/01/2020 07:47)

xem tiếp